1. Độ pH là gì?
Độ pH là chỉ số đo độ hoạt động của các ion (H+) trong dung dịch và vì vậy là độ axít hay bazơ của nó. Nói đơn giản nhất nước có độ pH = 7 là trung tính. Nước có giá trị pH nhỏ hơn 7 được coi là có tính axít, trong khi các giá trị pH lớn hơn 7 được coi là có tính kiềm.
Nhiều loại cá, tép chỉ thích nghi và sinh sống ở những độ pH nhất định. Tương tự như vậy, nhiều cây thủy sinh cũng sinh trưởng tốt trong độ pH nào đó. Không có 1 độ pH nào là hoàn hảo cho 1 hồ thủy sinh, vì bất cứ hồ thủy sinh nào cũng là 1 hệ sinh thái bao gồm nhiều loại động, thực vật. Tuy nhiên, pH hợp lý cho môi trường thủy sinh là từ 5-8. Dưới 5 thì nhiều cây bị rữa lá, cá tép chết, còn trên 8 thì chỉ phù hợp cho 1 số cá tép đặc biệt như tép sula, cá ali…
2. Vậy nếu hồ thủy sinh không chú trọng về cá tép hay những loại cây thủy sinh đặc biệt thì nên để mức nào là tốt nhất?
Đây là câu hỏi đáng giá triệu đô, và mình sẽ cố giải thích 1 cách đơn giản và dễ chấp nhận nhất như sau:
pH liên quan trực tiếp đến 2 yếu tố khác trong 1 hồ thủy sinh, đó là VI SINH và DINH DƯỠNG.
a. Mối liên hệ giữa pH và hệ vi sinh:
Những hồ pH cao từ 7 trở lên thì hệ vi sinh phát triển cực mạnh, và nước sẽ rất trong. Nếu các bạn để ý thì những hồ có san hô, sỏi 3 màu, vỏ ốc lẫn trong sỏi trải nền, hồ có nhiều đá như đá tai mèo.. thì nước sẽ rất trong. Đây là dấu hiệu của hệ vi sinh phát triển mạnh mẽ. Cả những hồ nước biển cũng vậy, nước trong hơn nước của đa số hồ thủy sinh nhiều.
Những hồ có pH từ 6 trở xuống thì hệ vi sinh phát triển yếu hơn, 1 số chủng loại vi sinh có lợi không thể sinh sôi và phát triển được. Vì vậy hồ có pH thấp thường dễ bị vấn đề về hệ vi sinh và dễ bùng phát rêu hại hơn.
b. Mối liên hệ giữa pH và dinh dưỡng:
Hồ có pH từ 7 trở lên thì những chất đa lượng sẽ dễ hấp thụ hơn (N P K, Ca Mg, S), nhưng từ 7.5 trở lên thì vi lượng như sắt, Mn, B… sẽ khó tồn tại trong nước, đây là lý do hồ pH cao thường bị hiện tượng cây mất màu từ ngọn (thiếu Fe)
Hồ có pH từ 6 trở xuống thì lượng vi lượng sẽ cực mạnh, điển hình là sắt, Mangan, Boron và Đồng, nhưng đa lượng NPK CA Mg sẽ rất yếu và khó được cây hấp thụ. Đây cũng là lý do vì sao những hồ pH thấp thường bị rêu hại liên quan trực tiếp đến vi lượng như Rêu Chùm Đen ( kết hợp thêm hệ vi sinh yếu khi pH thấp nữa), thêm vào đó hồ có pH thấp thường hay bị hiện tượng lá già của cây bị vàng (thiếu N) hoặc lũng lổ (thiếu K), hoặc rất dễ bị rêu đốm xanh (P yếu).
Về Nh3 / Nh4 (Amoniac và Amonium), cả 2 đều là thức ăn cho cây nhưng khác biệt là NH3 là chất cực độc. Khi NH3 ở môi trường có hệ PH từ 7 trở lên thì nó sẽ là chất độc, nhưng ở ph dưới 7 thì nó sẽ tồn tại ở dạng Nh4 (không còn độc)
Những hồ có pH cao hơn 7.5 thì Co2 sẽ rất khó hòa tan
Một số loại cây (như họ tonina)thì không thể sống ở ph trên 7, và đa số các loại cây thủy sinh có thể sống tốt ở ph từ 5-7
Từ 2 mối liên hệ trên chúng ta suy ra rằng: nếu để ở ph dưới 7, nhưng không quá thấp dưới 6 thì mọi vấn đề đều có thể giải quyết, đa số các cây thủy sinh sống tốt, vi sinh không quá yếu, vi lượng không quá mạnh, Nh3 không độc, NPK không quá thiếu, Co2 dễ hoạt động.
VẬY NẾU CÓ THỂ, CÁC BẠN NÊN ĐỂ ĐỘ pH HỒ Ở MỨC 6-6.5. Đây là mức lý tưởng cho các hồ trồng cây, rêu, bucep, dương xỉ…chứ không phải là mức hoàn hảo cho toàn bộ các hồ thủy sinh, các bạn đừng nhầm lẫn nhé.
Nguồn: Phạm Thành Văn
Biên tập chỉnh sửa: Greendeal.vn